Hình ảnh
Địa điểm
Mô tả
Chùa Gò Kén hay còn được biết đến với tên gọi khác là Thiền Lâm Tự, chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 do hòa thượng Thích Trí Lượng khởi xây. Vật dụng ban đầu là tre, nứa đơn giản. Sở dĩ có cái tên là chùa Gò Kén là vì chùa được xây dựng trên một gò đất cao, xung quanh mọc đầy dây kén.
Đến năm 1925, hòa thượng Thích Từ Phong – đệ tử của hòa thượng Thích Trí Lượng cùng các tín đồ Phật giáo đã tiến hành xây dựng ngôi chùa kiên cố hơn trên khuôn viên rộng đến 20.000 m2 (Sau này thu hẹp lại chỉ còn 6.000 m2).
Điều đặc biệt khi nhắc về chùa Gò Kén đó là chùa có mối quan hệ với đạo Cao Đài. Theo đại đức Thích Thiện cho biết, nhà chùa từng cho hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc mượn chùa một thời gian để khai đạo – Thời gian đó Tòa thánh Cao Đài chưa được xây dựng.
Đến năm 1970 chùa Gò Kén được trùng tu lại phần lớn do bị hư hại bởi chiến tranh cũng như thời gian. Tháng 7.2007, Đại đức Thích Thiện Nghĩa được bổ nhiệm giữ chức trụ trì chùa, cho đến nay ông không ngừng kêu gọi đóng góp để tu bổ, xây dựng chùa và biến chùa trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách khi đến với Tây Ninh.
Kiến trúc nổi bật và khuôn viên rộng rãi lên đến 6.000m2 là điểm thu hút của chùa Gò Kén. Khi bước chân vào chùa bạn sẽ thấy tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni , xung quanh là những tán cây lá bồ đề mọc sum suê. Ngoài ra còn có tượng Quan Thế Âm và nhiều bảo tháp của các trụ trì qua nhiều đời của chùa, gồm: tháp của Yết ma Trí Lượng, tháp của Hòa thượng Từ Phòng và tháp của hòa thượng Thuần Hòa.
Mặc dù là chùa chiền, nhưng chùa Gò Kén (Thiền Lâm Tự) lại mang đến cảm giác như một nhà thờ. Với thiết kế hai mái nhà lợp ngói móc. Nền nhà vững chãi, tường sử dụng vữa để trát, cửa chính sử dụng hình mái vòm và mở ở vách đầu hồi.
Nhìn vào bên trong chùa sẽ phát hiện có 2 hàng cột chạy dài, mỗi hàng lại có 6 cây, chia làm 3 gian. Cửa ra vào được lắp chấn song gỗ vuông như thời xa xưa.
Ngoài đền thờ chính thì xung quanh chùa còn có rất nhiều công trình nổi tiếng như cổng Tam Quan, vườn Lâm Tỳ Ni, núi Ngũ Hành Sơn, Bảo Tháp Xá Lợi cao 9 tầng, điện thờ Đức Phật Di Lặc,… và nhiều tượng Phật bằng gỗ có giá trị.