Bản tin TGROUP

[Chuyên mục: Chuyện từ Seoul - KBS] Xu hướng du lịch của người Hàn Quốc tại Đà Lạt qua chia sẻ từ Giám đốc chi nhánh Việt Nam của KOVET

[Chuyên mục: Chuyện từ Seoul - KBS] Xu hướng du lịch của người Hàn Quốc tại Đà Lạt qua chia sẻ từ Giám đốc chi nhánh Việt Nam của KOVET

I. Giới thiệu chung về chuyên mục

- Tên: Chuyện từ Seoul (Tên tiếng Hàn 월드초대석)
- Ngày phát sóng: Thứ Sáu 12/04/2024
- Kênh phát sóng: 
+ Internet Radio của Đài KBS WORLD Radio (world.kbs.co.kr/vietnamese)
+ Youtube: @kbsworldvietnamese

II. Nội dung phỏng vấn

Xin chào quý thính giả, tôi là Kiều Chinh và đây là chuyên mục “Chuyện từ Seoul”, phát sóng trên Đài Phát thanh quốc tế Hàn Quốc KBS WORLD Radio. Vài năm trở lại đây, Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch không thể bỏ lỡ đối với du khách Hàn Quốc. Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc là những cái tên đã không còn xa lạ với nhiều du khách. Tuy nhiên, Theo báo cáo về xu hướng du lịch năm 2024 dựa trên kết quả tìm kiếm theo từ khóa do Skyscanner thực hiện, Đà Lạt dự kiến sẽ là điểm nghỉ dưỡng quốc tế nhận được nhiều sự quan tâm nhất đối với du khách Hàn Quốc trong năm 2024. 
Vậy điều gì đã khiến cho Đà Lạt trở thành điểm đến được ưu chuộng gần đây? Trong chuyên mục hôm nay, mời quý thính giả cùng gặp gỡ anh Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Trung tâm chi nhánh Việt Nam của Viện Nghiên cứu trao đổi du lịch Hàn-Việt (KOVET) thuộc Hiệp hội Nghiên cứu chính sách du lịch Hàn Quốc, đồng thời là Giám đốc TGROUP, một trong những công ty chuyên cung cấp các tour du lịch phục vụ du khách Hàn Quốc đến Đà Lạt, địa danh đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người Hàn Quốc.
 

MC Kiều Chinh: Chào mừng anh Nguyễn Minh Tân đến với chuyện từ Seoul. (Anh giới thiệu bản thân đến quý thính giả)
Anh Nguyễn Minh Tân: Xin chào Kiều Chinh, xin chào Quý thính giả KBS World Radio. 
Mình là Nguyễn Minh Tân, đến từ Đà Lạt. Mình tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành chính sách du lịch đại học Hanyang Hàn Quốc năm 2018. Sau đó có một thời gian làm việc ở toà soạn báo AJU News Seoul, rồi quay về Việt Nam năm 2019 để thành lập Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch TGROUP. Đầu năm 2023 mình tham gia là thành viên của Hiệp hội Nghiên cứu Chính sách Du lịch tại Hàn Quốc và đang đảm nhận vai trò Giám đốc Trung tâm Giao lưu du lịch Hàn Việt trực thuộc Hiệp hội, có chi nhánh tại Đà Lạt.


MC Kiều Chinh: Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, năm 2023 tổng lượt khách quốc tế đến Đà Lạt là 400.000 lượt, trong đó khách Hàn Quốc chiếm tới 80%. Vậy đâu lý do khiến lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Đà Lạt tăng đột biến như vậy? 
Anh Nguyễn Minh Tân: Quả thật là thời gian vừa qua du khách Hàn Quốc đến Đà Lạt gia tăng nhanh chóng. Mình thường hay nói đùa là: “Mùa đông bên Hàn Quốc chắc vắng lắm phải không?, vì mọi người đến Đà Lạt hết cả rồi”.
Có thể nói, Đà Lạt đang dần trở thành điểm đến ưa chuộng của du khách Hàn Quốc kể từ khi các chương trình truyền hình thực tế đến và ghi hình tại Đà Lạt, trong đó kể đến là “나혼자 산다” (Sống một mình). Các cảnh đẹp của Đà Lạt, ẩm thực của địa phương, văn hoá của bản địa đã được giới thiệu rõ nét đến đông đảo người dân Hàn Quốc.
Về phía Việt Nam, các cơ quan ban ngành của tỉnh Lâm Đồng cũng thường xuyên xúc tiến các chương trình ký kết hợp tác du lịch giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đưa khách đến với Đà Lạt.
Trước đây, Đà Lạt chỉ là điểm đến thứ 2 trong hành trình du lịch Việt Nam khi đến với Nha Trang hay tp Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bây giờ đã có các chuyến bay thẳng từ Incheon, Busan và Muan đến với thành phố Đà Lạt, điều này tạo rất nhiều thuận lợi cho du khách.


MC Kiều Chinh: Ai đã có thời gian ở Đà Lạt và yêu mến vùng đất này chắc hẳn sẽ hiểu về cái “chất” rất riêng của Đà Lạt. Nhiều người còn dùng “Đà Lạt” như một tính từ thay vì danh từ. Kiều Chinh được biết anh cũng là một người con của Đà Lạt, vậy anh có thể giới thiệu về nét riêng này dưới góc nhìn của một người dân bản địa được không? 
Anh Nguyễn Minh Tân: Mình cũng đã có thời gian dài sinh sống, học tập và làm việc ở Hàn Quốc. Điều mình cảm nhận được chính là mùa xuân của Hàn Quốc đẹp như thế nào, thì Đà Lạt quanh năm đẹp như thế đó. Có lẽ, cũng chính vì vậy mà khách du lịch Hàn Quốc cũng ưu ái dành cho Đà Lạt những lời khen ngợi như “영원한 봄의 도시” (Thành phố của mùa xuân vĩnh cữu). Người dân Đà Lạt thì được nhiều người nhận xét là hiền hoà, thanh lịch và mến khách nên mình nghĩ là cuộc sống tại Đà Lạt lúc nào cũng nhẹ nhàng và yên bình. Công ty TGROUP của mình có chương trình “Du lịch 1 tháng ở Đà Lạt” và nhận được rất nhiều sự quan tâm của du khách Hàn Quốc, đặc biệt là những du khách người lớn tuổi, muốn tìm một nơi nghỉ dưỡng sau một thời gian dài nỗ lực làm việc trước nhiều áp lực của cuộc sống. 


MC Kiều Chinh: Quả thật là một điểm đến đầy thu hút. Vậy một số đặc điểm nổi bật về các loại hình du lịch mà khách Hàn Quốc lựa chọn để đến Đà Lạt thì sao ạ?
Anh Nguyễn Minh Tân: Du khách Hàn Quốc đến Đà Lạt ngoài những tour đoàn lớn đi theo lịch trình có sẵn của các công ty du lịch, thì mình nhận thấy loại hình du lịch tự túc, du lịch nhóm nhỏ, bạn bè, gia đình, đi theo sở thích cá nhân đang ngày càng phát triển. Với thời đại công nghệ thì chỉ cần một chiếc điện thoại di động có kết nối internet, các du khách nước ngoài đều có thể thuận tiện khi đi du lịch Đà Lạt.


MC Kiều Chinh: Top 5 địa điểm được du khách Hàn Quốc yêu thích nhất tại Đà Lạt là gì?
Anh Nguyễn Minh Tân: Các địa điểm mà du khách Hàn Quốc yêu thích có thể kể đến như là việc đi tản bộ các cung đường quanh Hồ Xuân Hương, tham quan các điểm nổi tiếng như núi Lang Biang, Biệt thự Hằng Nga, Ga Đà Lạt, Nhà thờ hồng Domain de Marie. Hay trải nghiệm cuộc sống người dân địa phương, như học cách làm rượu cần, làm socola từ hạt cacao tại Balava.


MC Kiều Chinh: Dù chỉ mới nổi gần đây với người Hàn nhưng Đà Lạt từ trước tới nay luôn là điểm đến chưa bao giờ hết hot với giới trẻ Việt. Vậy xu hướng du lịch của người Hàn và người Việt tại Đà Lạt có điểm gì giống và khác nhau?
Anh Nguyễn Minh Tân: Theo mình nhận thấy, khách du lịch từ các quốc gia hay các địa phương khác khi đến với Đà Lạt đều yêu thích nét đẹp tự nhiên vốn có của thành phố này. Cũng như các bạn trẻ Việt Nam thích đến Đà Lạt theo hình thức phượt bằng xe máy, thì các bạn trẻ người Hàn Quốc thích tìm hiểu Đà Lạt theo hình thức tản bộ, dạo quanh và khám phá từng ngóc ngách của Đà Lạt. 
Mình cũng từng rất ngạc nhiên khi thấy những cặp đôi trẻ người Hàn Quốc tại một quán cà phê trong một con hẻm nhỏ xíu. Họ giao tiếp với chủ quán bằng ứng dụng dịch thuật và dùng bản đồ online để tìm đến.
Còn về điểm khác nhau, thì mình nghĩ khách du lịch Hàn Quốc yêu thích đánh golf, họ có thể dành ra một nửa thời gian của chuyến đi du lịch cho hoạt động thể thao này. 


MC Kiều Chinh: Trong quá trình lên chương trình cho các tour du lịch, liệu anh có lồng ghép yếu tố nào, để du khách Hàn Quốc có thể cảm nhận được hết chất riêng của Đà Lạt?
Anh Nguyễn Minh Tân: Mỗi công ty có thị trường và định hướng phát triển riêng. Có công ty thì chú trọng vào nhóm khách đoàn, có công ty thì tập trung vào các tour trọn gói. Riêng đối với TGROUP thì ngay từ khi mới thành lập, công ty đã định hướng hoạt động nhằm phục vụ thị trường khách du lịch tự túc, nhóm khách nhỏ đi theo gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Chính vì vậy TGROUP dành phần lớn thời gian và công sức để nâng cấp website, xây dựng các giải pháp du lịch thông minh, giúp cho du khách thuận lợi hơn khi tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ du lịch. 
TGROUP không tổ chức các tour giá rẻ, không đưa khách đến các điểm mua sắm quá nhiều, mà tập trung giới thiệu các điểm du lịch địa phương, các món ăn và nhà hàng chất lượng của người Đà Lạt, cũng như các sản phẩm văn hoá đặc trưng của người bản địa.
Đà Lạt cũng nổi tiếng với cà phê, và americano là món thức uống có thể nói như là thay nước giải khát của người Hàn Quốc, chính vì vậy mà TGROUP cũng có các tour tham quan các trang trại cà phê, để du khách có thể hiểu được quy trình làm ra một ly cà phê là như thế nào, sự khác nhau của các giống cà phê, trải nghiệm từ công đoạn hái quả, rang xay, cho đến pha chế.


MC Kiều Chinh: Liệu có phải bản thân anh đã cảm nhận được về những đặc điểm của Đà Lạt có thể thu hút được khách du lịch Hàn Quốc và “đón đầu xu thế” để mở công ty du lịch ở Đà Lạt hay không? (Nói cách khác động lực nào thúc đẩy anh mở công ty du lịch chuyên phục vụ khách Hàn Quốc ở Đà Lạt? Mời anh nói cơ bản về quá trình thành lập và phát triển công ty)
Anh Nguyễn Minh Tân: Là một người con của Đà Lạt, trước khi đi du học mình cũng đã làm ở Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phòng Nghiệp vụ Du lịch. Mình cũng tốt nghiệp từ đại học đến thạc sỹ đều là chuyên ngành du lịch. Chính vì vây mà việc thành lập một công ty du lịch là mục tiêu mình ấp ủ từ rất lâu rồi.
Và động lực chính xuất phát từ khi làm ở thời báo Kinh tế Aju, mình có viết vài bài về Đà Lạt và nhận được nhiều phản ứng tích cực từ đọc giả Hàn Quốc. Lúc đó mình như trở thành người truyền thông cho Đà Lạt ngay trong chính toà soạn báo, mình có thể luyên thuyên kể về quê hương của mình cho các anh chị đồng nghiệp. Bản thân mình cũng đang là phóng viên danh dự của Cơ quan Văn hoá và Thông tin Hàn Quốc thuộc bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc.
Và đến tháng 3/2019 thì mình chính thức thành lập doanh nghiệp từ những kiến thức đã học, những nắm bắt về thị hiếu khách hàng khi sống tại Hàn Quốc.
Thời gian đầu thì đúng là “vạn sự khởi đầu nan”, 6 tháng sau khi thành lập thì dịch COVID bùng phát. Và mình đã dành 2 năm dịch đó để tập trung xây dựng hệ thống công ty, cũng như tập trung nghiên cứu tâm lý khách và viết bài quảng bá về Đà Lạt đến với du khách Hàn Quốc qua cổng thông tin naver blog.


MC Kiều Chinh: Vậy có thể nói thị trường các tour du lịch chuyên phục vụ khách Hàn Quốc tham quan Đà Lạt là một thị trường mới (Blue Ocean) hay không? (Đối với các công ty lữ hành thì thị trường này đang được đánh giá như thế nào? Liệu Đà Lạt có phải chỉ là một địa điểm nổi lên nhất thời hay không? Trước đây đã có nhưng tại sao chưa thu hút được khách Hàn Quốc như hiện tại?)
Anh Nguyễn Minh Tân: Nếu nói đến Chiến lược đại dương xanh, thì vào thời điểm mình thành lập doanh nghiệp năm 2019, lúc đó có thể xem thị trường khách du lịch Hàn Quốc là một thị trường ngách, ít đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên đến đầu năm 2023, thì xuất hiện đông đảo các doanh nghiệp lữ hành cùng tập trung khai thác thị trường khách này tại Đà Lạt. Các công ty bắt đầu cho nhân viên học thêm tiếng Hàn, tuyển dụng nhân sự tiếng Hàn… Kéo theo đó là trào lưu nở rộ mở các cơ sở kinh doanh tại địa phương như là nhà hàng Hàn Quốc, Spa Hàn Quốc. Mình cũng hi vọng là sẽ không bị bão hoà, dư thừa cung. Theo mình thì Đà Lạt cần tập trung phát triển bền vững, phát triển về chất lượng thay vì số lượng.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành nhận định, du lịch Đà Lạt đang trong giai đoạn thời điểm vàng để thu hút khách Hàn Quốc. Và giai đoạn này được họ đánh giá là chỉ có 2 năm. Tuy nhiên, theo TGROUP thì thời điểm vàng này có thể kéo dài hơn nữa, nếu như chúng ta cùng nhau tìm ra được giải pháp đưa du lịch Đà Lạt phát triển có chiều sâu. Tức là tập trung vào các yếu tố văn hoá, thiên nhiên, con người và dịch vụ… chứ đừng tổ chức các tour gọi là “Tour 0 đồng” giá rẻ, hay các tour gọi là “cưỡi ngựa xem hoa” một cách qua loa, hời hợt. Đừng để như một vài nơi khác, khách ào ào đến rồi ào ào đi mà không để lại một chút giá trị nào trong lòng du khách và cả người dân địa phương. 
Và để làm được điều này, mình nghĩ phía các doanh nghiệp du lịch cùng với các cơ quan ban ngành Đà Lạt cần ngồi lại với nhau để trao đổi kỹ hơn và đồng lòng đưa ra các giải pháp phát triển du lịch Đà Lạt bền vững.


MC Kiều Chinh: Ngày 28/1 vừa qua, Viện Nghiên cứu trao đổi du lịch Hàn-Việt vừa tổ chức diễn đàn giao lưu với chủ đề “Thử nghiệm mới cho sự phát triển du lịch thành phố Đà Lạt”. Nội dung chính của diễn đàn là giải quyết các vấn đề và đưa ra phương hướng phát triển cho ngành du lịch Đà Lạt trong tương lai. Vậy vấn đề của ngành du lịch Đà Lạt hiện nay là gì? 
Anh Nguyễn Minh Tân: Với chủ đề “Thử nghiệm mới cho sự phát triển du lịch thành phố Đà Lạt”, chương trình đã diễn ra thành công với các cuộc thảo luận sôi nổi và trao đổi ý kiến tích cực, mang đến cơ hội để nâng cao sự giao lưu và hợp tác du lịch giữa hai nước.
Diễn đàn cũng đã ghi nhận được các ý kiến về vấn đề mà ngành du lịch Đà Lạt đang gặp phải khi đón khách du lịch Hàn Quốc nói riêng và khách quốc tế nói chung:
- Các sản phẩm du lịch tự túc của địa phương có nhiều nhưng chưa thể truyền tải và kết nối với khách du lịch, mỗi doanh nghiệp đều đang loay hoay làm sao để có thể giới thiệu dịch vụ của mình đến với du khách bởi các rào cản về ngôn ngữ, phương tiện tiếp cận về truyền thông của khách Hàn cũng không giống với các nhóm khách quốc tế khác.
- Vấn đề về các tuyến đường để khách du lịch tự túc có thể yên tâm khi đi bộ khám phá. Các chủ đề về cung đường du lịch còn thiếu độ đa dạng, chưa có bản đồ hướng dẫn, chưa có thông tin cụ thể bằng ngôn ngữ quốc tế đặc biệt là tiếng Hàn.
- Và một vài vấn đề khác như vẫn còn doanh nghiệp chỉ đang chú trọng phát triển về số lượng, kết quả trước mắt chứ không đi theo hướng bền vững và chất lượng.


MC Kiều Chinh: Diễn đàn đã đưa ra những giải pháp nào để khắc phục những vấn đề anh vừa kể trên? Và tiềm năng thực hiện của các phương án đó như thế nào?
Anh Nguyễn Minh Tân: Kết luận của Diễn đàn đưa ra định hướng mới về du lịch sau đại dịch COVID-19 chính là mô hình phát triển du lịch bền vững, trong đó tập trung vào 3 yếu tố chính: tăng trưởng về chất lượng, tập trung vào giá trị văn hóa - xã hội, cùng với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, mô hình du lịch cũng dịch chuyển từ du lịch nhóm lớn sang du lịch nhóm nhỏ, du lịch tự túc.
Để khách du lịch tự túc thuận tiện hơn khi đến Đà Lạt thì diễn đàn đưa ra giải pháp đầu tiên là cần có một ứng dụng du lịch tự túc. Ứng dụng này cập nhật các sản phẩm du lịch thuộc hệ sinh thái du lịch địa phương. Du khách sử dụng ứng dụng này có thể dễ dàng tìm kiếm các địa điểm địa phương, đó không chỉ là các khu điểm du lịch nổi tiếng, mà còn có thể dễ dàng tìm được các quán ăn ngon của người dân Đà Lạt, các điểm đến mà người dân Đà Lạt thường hay đến, hay các dịch vụ mà người dân Đà Lạt hay sử dụng. Ứng dụng này có thể hỗ trợ thông dịch giữa người dân địa phương và du khách quốc tế, cũng như có thể trao đổi trực tuyến với những người làm du lịch trong thời gian thực.
Giải pháp thứ 2 là tạo ra các tuyến đường đi bộ thuận tiện và an toàn cho khách du lịch tự túc. Hiện tại đã có cung đường nghệ thuật Art Street, tương lai cần có thêm các tuyến đường khác như là cung đường hoa Flower Street, cung đường ẩm thực Food Street, hay là cung đường mua sắm Shopping Street. Và các cung đường này đều liên kết với nhau một cách tiện lợi, an toàn cho du khách đi bộ.
Giải pháp thứ 3 được đề xuất đến là thành lập một tổ chức các doanh nghiệp cùng khai thác khách du lịch từ thị trường khách Hàn Quốc. Rồi sau đó thường xuyên thực hiện các cuộc gặp gỡ công tư, giữa chính quyền Đà Lạt và các doanh nghiệp. Điều này giúp cho việc truyền thông tin nhanh chóng hơn, chính quyền thì dễ dàng chuyển các văn bản, quy định, chính sách đến doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp cũng dễ dàng thảo luận và đưa ra các giải pháp mới cho phát triển chung của ngành du lịch. Cũng như giải quyết các vấn đề xảy ra dứt điểm, nhanh chóng và đúng đối tượng.
Và theo mình thì các giải pháp này hoàn toàn có thể được thực hiện. Với sự hỗ trợ của chính quyền Đà Lạt như hiện nay cùng với sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp thì không gì là không thể.


MC Kiều Chinh: Ngoài diễn đàn kể trên, Viện Nghiên cứu trao đổi du lịch Hàn-Việt có tổ chức các sự kiện giao lưu về chủ đề nổi cộm nào khác nữa không?
Anh Nguyễn Minh Tân: Viện nghiên cứu trao đổi du lịch Hàn – Việt, trong năm 2024 có kế hoạch thực hiện ba hoạt động chính như sau:
- Tổ chức Diễn đàn: Để thúc đẩy sự giao lưu du lịch giữa Hàn Quốc và Việt Nam, Viện nghiên cứu KOVET sẽ tổ chức hai diễn đàn tại Seoul và Đà Lạt. Diễn đàn tại Seoul sẽ tập trung vào việc thảo luận về hợp tác chính sách du lịch giữa hai quốc gia, bao gồm phát triển du lịch địa phương và chiến lược quảng bá, tiếp thị. Trong khi đó, diễn đàn tại Đà Lạt sẽ tập trung vào nghiên cứu xu hướng tiêu dùng và chiến lược phát triển du lịch của du khách Hàn Quốc tại Việt Nam. Thời gian cụ thể của các diễn đàn sẽ được xác định sau thông qua sự thống nhất với các doanh nghiệp và sự cho phép của chính quyền địa phương.
- Nghiên cứu chính sách: KOVET dự định nghiên cứu và ứng dụng các chính sách tương đồng giữa Hàn Quốc và Việt Nam, tập trung vào các trường hợp chính sách du lịch thành công của hai nước. Mục tiêu là phát triển du lịch địa phương và thúc đẩy du lịch cộng đồng. Hiện tại, KOVET cũng đang xem xét thực hiện một số dự án như phát triển du lịch cộng đồng và tăng cường hoạt động du lịch địa phương.
- Xây dựng Mạng lưới hợp tác học thuật: KOVET sẽ hợp tác với các trường đại học, cơ quan ban ngành và doanh nghiệp du lịch để xây dựng mạng lưới hợp tác học thuật nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch thường xuyên giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Tổ chức này sẽ tiến hành nghiên cứu học thuật và ứng dụng thực tiễn để đóng góp vào sự phát triển du lịch chung.


MC Kiều Chinh: Theo anh, ngành du lịch Đà Lạt cần làm gì để thu hút du khách Hàn Quốc một cách hiệu quả và bền vững, không chỉ là một địa điểm du lịch nổi lên nhất thời “sớm nở chóng tàn”?
Anh Nguyễn Minh Tân: Như đã đề cập ở trên Đà Lạt cần tập trung phát triển du lịch bền vững. Phát triển về chất lượng thay vì số lượng. Làm sao để mà các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, cùng đồng lòng phục vụ tốt từng vị khách, từng nhóm khách nhỏ, để tạo ra một hiệu ứng mở rộng cho toàn thành phố.
Đừng chỉ xây dựng các sản phẩm du lịch theo kiểu tạo dựng những khối bê tông sao chép từ các quốc gia khác cho khách chụp hình, rồi up lên mạng xã hội là xong.
Chúng ta cần xây dựng các sản phẩm du lịch có chiều sâu, giúp du khách hiểu được văn hoá bản địa, khách du lịch được tiếp xúc với người dân và cuộc sống địa phương.
Tạo ra một trào lưu du lịch nhưng có giá trị và vượt lên trên những yếu tố sống ảo đơn thuần.
Đơn cử như cách làm của Balava Đà Lạt, một điểm đến mới thôi như thu hút một lượng lớn du khách. Khách du lịch đến đây họ không chỉ chụp được những bức ảnh đẹp từ thiên nhiên, núi rừng trong hành trình “tắm rừng” mà họ còn được trải nghiệm được những nét văn hoá của người đồng bào dân tộc K’Ho, khách du lịch được tự tay làm cho mình như ché rượu cần, được học cách làm socola từ hạt cacao, hay biết cách để làm ra những chiếc pizza nướng bằng lò củi, tối đến thì giao lưu cồng chiêng bên ánh lửa bập bùng của núi rừng tây nguyên. Điều này, quả thật quá tuyệt vời phải không nào. 


MC Kiều Chinh: Cuối cùng, mời anh chia sẻ những dự định trong tương lai gần và xa hơn của bản thân cũng như của TGROUP đến quý thính giả của Chuyện từ Seoul? 
Anh Nguyễn Minh Tân: Về dự định trong tương lai

- Đối với bản thân: Tiếp tục học tập trao dồi thêm kiến thức mới về xu hướng của ngành du lịch. Có thể nói với thời đại công nghệ tiến bộ như hiện nay, việc không ngừng học tập cũng đồng nghĩa với việc đi lùi bước.
Open AI, Sora, Chat GPT cùng các ứng dụng thông minh hiện nay không thể làm mất việc của chúng ta như nhiều người lo lắng, tuy nhiên có thể sẽ làm mất việc của những người không biết sử dụng những công cụ hữu ích này vào công việc. Nói tóm lại là cần phải xem công nghệ là một giải pháp phục vụ cho công việc, trong đó ngành du lịch không phải là ngoại lệ.

- Đối với TGROUP 
TGROUP tập trung vào phát triển theo kế hoạch của công ty ngay từ đầu nên việc phát triển du lịch theo định hướng du lịch thông minh tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.
TGROUP cũng đang có kế hoạch hợp tác với hãng hàng không Jeju Air Hàn Quốc mang lại những sản phẩm du lịch ưu đãi dành cho khách hàng khi đến với thành phố Đà Lạt.

- Đối với Trung tâm Giao lưu du lịch Hàn Việt:
Tiếp tục triển khai kế hoạch để thực hiện các diễn đàn trao đổi du lịch tại Seoul và Đà Lạt. Phối hợp triển khai xây dựng mạng lưới học thuật giữa chính quyền và các doanh nghiệp du lịch. Nhằm mục tiêu đưa ra các giải pháp phát triển du lịch bền vững cho thành phố Đà Lạt.
Trên đây chính là mục tiêu cũng như kế hoạch của TGROUP trong năm mới này.


MC Kiều Chinh: Thay mặt những người làm chương trình, kính chúc anh cũng như công ty sẽ đạt được những mục tiêu và dự định đã đặt ra trong năm 2024. Xin cám ơn anh và xin chào.
Anh Nguyễn Minh Tân: Thay mặt TGROUP cũng như cá nhân mình cũng xin chúc KBS World Radio cùng MC Kiều Chinh và quý thính giả một năm mới vạn sự như ý. Chúc chương trình ‘Chuyện từ Seoul’ sẽ có thêm nhiều câu chuyện ý nghĩa, mang lại niềm cảm hứng và động lực cho tất cả chúng ta trong năm mới này. 
Xin cảm ơn và xin chào. 
 

 

Zalo

Quên mật khẩu?

Chọn đăng ký là bạn đã đồng ý với các điều khoản dịch vụ của TGROUP.

Quên mật khẩu? Hãy điền địa chỉ email của bạn. Bạn sẽ nhận được một liên kết để tạo một mật khẩu mới.

Trở về đăng nhập

Đóng

Đóng
Đóng