Cẩm nang du lịch
Một trong những nơi mình nghĩ mình có “duyên” đến thăm khi đi Hàn vừa rồi là Chùa Bongeunsa. Chùa nằm ở gần Coex Mall, khu Samseong-dong. Mình đi đến COEX MALL để thăm SM TOWN, rồi đi bộ qua đường là đến ngay Chùa Bongeunsa. Kể ra thì việc đặt kế hoạch tham quan 2 nơi này trong 1 ngày cũng rất thuận tiện đó.
Chuyến đi vừa rồi mình đi một mình, giữa tháng 10 năm ngoái và cũng không có máy ảnh xịn nên chỉ chụp hình qua điện thoại thôi. Đường đến Chùa và không gian Chùa lên hình trông thật đẹp. Mây xanh, trời nắng ấm, phía sau chùa là rừng cây cối sum suê đang bắt đầu ngã dần sang màu đỏ vàng, báo hiệu mùa thu.
Và Chùa Bongeunsa là nơi mình cảm thấy rất có “duyên” khi đến tham quan. Nói là duyên, vì mình được free phí vào cổng nếu mình điền form thông tin và còn được free tour guide bằng tiếng Anh. Chính điều này làm chuyến tham quan tại chùa trở nên đáng nhớ nhất trong đợt đi Hàn lần đó.
Ở ngay cổng vào chùa có dãy lều hướng dẫn. Mình đến điền form, cung cấp email, quốc tịch, xong cô hướng dẫn hỏi mình “Do you want to have free guide in English?”, và dĩ nhiên mình đã đồng ý. Rồi cô ấy giới thiệu Joice sẽ là private tour guide cho mình. Joice tự giới thiệu với mình là Joice đang làm tình nguyện ở chùa, nhiệm vụ đang “thực tập” là hướng dẫn du khách. Mình đoán chừng Joice đã ngoài 50, có lẽ là đã nghỉ hưu. Chắc chắn vì Joice, nên mình mới có quá nhiều thứ hay ho để kể về Chùa Bongeunsa đến mức viết blog như thế này :D.
Joice dẫn mình đi từ cổng vào, tham quan điện chính, các điện xung quanh, kể về lịch sử hình thành, bị phá hủy bởi chiến tranh rồi được trùng tu của Chùa ra sao. Chùa còn nhiều công trình xây dựng đang được bảo dưỡng. Joice chia sẻ rằng chính quyền Hàn lẫn người dân đều rất quan tâm đến những công trình có giá trị lịch sử như Chùa Bongeunsa, nên việc trùng tu, phục chế, sửa chữa hầu như diễn ra quanh năm.
Joice giải thích cho mình về cả ngàn bức tượng Phật bằng vàng to nhỏ khác nhau trong một điện thờ, do chùa cũng như Phật tử cùng đóng góp nên, cũng như về bức tranh Phật Tổ rất to đang treo ngoài khu cầu nguyện được vẽ từ rất lâu rồi, và luôn được bảo quản cẩn thận.
Điều hay ho nữa là Joice giải thích cho mình cả về phong tục Phật giáo của người Hàn, chứ không chỉ hướng dẫn tham quan chùa. Mình được kể cho nghe tập tục cúng tang, hay cách cầu nguyện, cách lạy Phật của người Hàn. Joice cũng nói về việc rất rất nhiều cha mẹ ở Seoul sẽ đến Chùa Bongeunsa cầu nguyện cho con mình trong kì thi Đại học vào tháng 11 sắp tới, nên có hẳn một điện riêng để họ có thể đến dâng hương, hoặc lạy 100 lạy (hoặc hơn!) để bày tỏ thành tâm... Những điều này mình từng thấy nhiều trên phim ảnh nhưng chưa hiểu cặn kẽ. Joice cũng chia sẻ rằng những người lớn tuổi như Joice rất thích làm việc tình nguyện tại chùa, và phân công nhau hướng dẫn du khách, dọn dẹp, nấu ăn cho chùa.
Và lần đầu mình có cảm giác như đang được trao đổi văn hóa tại Hàn, chứ không chỉ tìm hiểu 1 chiều về Phật giáo Hàn Quốc, khi Joice hỏi mình mọi thứ ở Việt Nam như thế nào, có giống Hàn không... Tất nhiên, mình cũng hào hứng kể với Joice gia đình mình thờ cúng Phật và ông bà tổ tiên như thế nào. Joice hỏi, mình trả lời, để rồi cả hai đúc kết ra tập tục ở Việt Nam nói chung khác Hàn Quốc ra sao, v.v. Chính vì vậy mà dường như trải nghiệm này trở nên sâu sắc hơn, đa chiều hơn về cả văn hóa lẫn tôn giáo, thay vì chỉ nghe và nhìn một địa danh nổi tiếng nếu mình đi dạo một mình.
Joice còn giải thích với mình về kiến trúc trang trí của Chùa. Ví dụ như, điện chính được trang trí rồng phượng và hoa sen rất cầu kì, điện phụ thì trang trí hổ và loại hoa khác đơn giản hơn 1 chút. Hoặc là, màu sắc Chùa trang trí rất đặc trưng như xanh lá, xanh dương, nâu đỏ, vàng, ...
Mình nhận thấy dù hình ảnh khác nhau nhưng phong cách thẩm mỹ rất nhất quán, không chỉ là bên trong Chùa Bogeunsa, mà còn rất tương đồng với những địa danh lịch sử cùng thời khác mà mình thấy tại Seoul như các cung điện, chùa chiền khác. Phong cách mỹ thuật thể hiện qua tông màu, hình ảnh minh họa và đường nét trang trí vẽ bằng tay khá dễ cảm thụ, và hài hòa với khung cảnh thiên nhiên bình yên xung quanh. Bây giờ xem lại hình mình vẫn cực kì thích, dù hình mình chụp không đẹp bằng một góc ngoài đời đâu!
À, Joice còn kể với mình về loạt tranh ẩn dụ về hành trình Phật Tổ giác ngộ (Buddha and his journey of Awareness and Enlightenment – tạm dịch, sorry vì nhiều khi không biết dịch từ tiếng Việt thế nào cho đúng nữa). Hai câu chuyện được kể song song, tầng dưới là hành trình một chú bé đi tìm con bò bị lạc mà Phật Tổ dùng để giảng giải, còn tầng trên là quá trình Phật Tổ chiêm nghiệm về cuộc sống và giác ngộ triết lý về cuộc đời... Mình phải đi vòng quanh điện thờ này hết hai lần để ngẫm được thông điệp của những bức tranh, và một lần nữa để quay phim lại. Đến giờ mình vẫn rất ấn tượng với những chi tiết nhỏ như thế này, chúng thật sự là một phần giá trị văn hóa của Chùa Bogeunsa mà mình may mắn được biết đến!
Khi đi với Joice 1 vòng quanh Chùa, mình chỉ ngắm và nói chuyện một cách hăng say thôi, không có thời gian chụp hình luôn. Joice chỉ để dành thời gian cho mình lạy Phật và cầu nguyện 1 lúc. Khi đến chỗ bức tượng "Phật của Tương Lai” thì cũng qua gần 1 tiếng rồi, mình chụp hình với Joice rồi chia tay tại đây. Lúc đó mình đã nói với Joice rằng, gặp được Joice ở nơi này là một điều rất ý nghĩa đối với bản thân mình và mình mong mọi điều tốt đẹp với Joice. Thật sự là một nhân duyên dễ thương! Cảm ơn Joice!
Sau đó, mình tự đi 1 vòng khám phá ngôi chùa này và chụp hình một vài nơi. Lúc này thì tầm 2h chiều và trời rất nắng (dù gió thổi vô cùng mát mẻ luôn, thật ngộ!). Ánh chiều chiếu lên những điện thờ cổ kính, thật đẹp! Nhưng có lúc mình thấy chóng mặt vì nắng quá luôn, nhưng ngồi nghỉ trong điện 1 chút, nhìn mọi người đọc kinh và cầu nguyện xung quanh, để lòng mình lắng lại, hòa với không khí mát mẻ yên tĩnh trong điện, làm mình thoải mái tinh thần và cơ thể lại ngay…
Lúc ra đến bên ngoài thì Chùa có shop lưu niệm, nên mình vào mua quà về Việt Nam. Lúc mình đứng lựa, thì gặp 1 bạn tình nguyện viên nữa đang treo hàng lên kệ. Thấy mình lựa lựa mấy cái vòng, bạn ấy quay qua nói 1 tràng tiếng Hàn. Haha. Mình nói là mình ko phải người Hàn bằng tiếng Anh, xong rùi bạn ấy hỏi mình là người ở đâu, khi biết mình là người Việt Nam thì bạn ấy kể rằng bạn ấy vừa mới đi Việt Nam xong, nhưng đi Sài Gòn hay Đà Nẵng thì giờ mình quên rồi. Lúc đó là bạn ấy thấy mình giống người Hàn quá nên bạn ấy muốn giới thiệu là mình có thể lựa vòng theo con giáp tùy tuổi. :)) Vậy thôi là mình đã thấy bạn ấy quá sức dễ thương và thân thiện rồi. Sẵn đó mình hỏi bản, nếu Thìn thì thế nào (Yong), rùi Tị, rùi Ngọ, đủ cả. Bạn ấy chỉ hết, nhưng mình bị loạn. =)))) Mình lựa tới lựa lui để chọn Tượng Phật nhỏ, Móc khóa và vòng tay bình an cho bạn bè và vòng tụng kinh cho Bà Nội.
Nhưng lúc tính tiền, mình ko cà thẻ được do máy họ có vấn đề, mà mình thì hết tiền Hàn, nên phải nhờ bạn nhân viên check tổng tiền rồi đi rút tiền mặt. ;D May mà có máy rút tiền ngay cạnh shop hehe. Máy rút tiền vô cùng hiện đại, dễ xài, có cả hướng dẫn bằng tiếng Việt luôn, thiệt khó tin! Để cho chắc ăn thì bạn tốt bụng đã bị làm phiền thêm 1 lần nữa, là phải viết hết mấy từ Con giáp tiếng Hàn ra cho mình. Hihi.
Chuyến đi ở Chùa Bongeunsa của mình kết thúc vậy đó…
Đi Hàn đợt đó mình không đi được nhiều nơi, nhưng mỗi nơi đi qua, mỗi trải nghiệm, và đặc biệt là trải nghiệm tại Chùa Bongeunsa này, làm mình thật sự ấn tượng rất sâu sắc. Một phần vì cảm giác đặc biệt khi "có duyên" tìm hiểu một địa danh mới ở một đất nước mới…Những điều này như là những giá trị tinh thần rất kì diệu mà nếu không tổng hợp lại và viết ra, mình sẽ cảm thấy rất tiếc và sợ sẽ quên mất! Mình càng không muốn quên những người Hàn mình dễ thương mình đã gặp và trao đổi, như Joice...!
UPD
Coex Mall là trung tâm thương mại dưới lòng đất lớn nhất tại Châu Á, nằm ngay bên dưới tòa nhà Korea World Trade Center, tại 513 Yeongdong-Daero, Gangnam-gu, Seoul, Hàn Quốc. Có vị trí ở phía nam sông Hàn, COEX là một khu phức hợp mua sắm khổng lồ trải dài từ đường tàu điện ngầm số 2 (Samseong) đến tận khu vực đền Bongeunsa, nơi đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm và giải trí của bạn, với giao thông rất thuận tiện.
Đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ, sau đó du nhập vào các quốc gia Đông Nam Á, mở rộng ra châu Á, và rồi phổ biến trên toàn thế giới. Đi cùng với một tín ngưỡng vĩ đại chính là những văn hóa, những nét kiến trúc độc đáo dựa trên nền tảng truyền thống. Đạo Phật khi đi vào tư tưởng của một quốc gia, sẽ được “quốc gia” hóa. Cùng nói đến kiến trúc Phật giáo tại Hàn Quốc, xem tìm hiểu về tôn giáo lớn này ở một khía cạnh khác.
Quên mật khẩu? Hãy điền địa chỉ email của bạn. Bạn sẽ nhận được một liên kết để tạo một mật khẩu mới.