Thông tin cần thiết

Văn hóa Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc

Văn hóa Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc

Rằm tháng Giêng trong tiếng Hàn gọi là Dae Boreum (대보름), là ngày trăng sáng và to nhất trong năm, vào ngày này mọi người dân đều cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình mình vào năm mới. 

Vào ngày này người Hàn thường dậy thật sớm để chuẩn bị cơm ngũ cốc, trong đó có các loại ngũ cốc tiêu biểu như gạo nếp, lạc, đậu đỏ, đậu xanh, hạt kê, hạt dẻ... Loại hạt này tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, với mong muốn nhận được sinh khí của ngũ hành để có lục phủ ngũ tạng đạt được sự cân bằng. Những món ăn đặc trưng vào ngày Rằm tháng Giêng là Các loại hạt (Bu-reom - 부럼), Cơm ngũ cốc (O-gok-bab - 오곡밥), Xôi (Yak-bab - 약밥), Rau trộn (Na-mul - 나물),... 

Trước đây do điều kiện kinh tế khó khăn, không được ăn đủ chất dinh dưỡng nên da dẻ dễ bị mắc các bệnh về da như nổi mụn, nhọt, vì vậy người Hàn tin rằng trong các loại hạt và quả có chứ chất có thể ngăn ngừa tình trạng này. Chính vì thế, vào ngày Rằm tháng Giêng, nếu ăn những loại hạt ngũ cốc như trên thì cả năm sẽ không bị mắc bệnh về da. 

Vào đêm 14 hoặc giữa đêm Rằm, người Hàn Quốc thường ngắm trăng và cầu những điều tốt đẹp cho cả năm và họ tin rằng những điều ước cầu vào ngày đó sẽ trở thành hiện thực. Còn đối với người nông dân thì ngày Rằm tháng Giêng còn có ý nghĩa đặc biệt hơn, là ngày bắt đầu công việc đồng áng và cầu cho cả năm mùa màng bội thu.

Trong ngày rằm tháng giêng, người Hàn Quốc thường tổ chức các lễ tế cầu cho một năm ấm no, và chơi các trò chơi truyền thống như "Đuổi nóng bức" (bán đi cái nóng bức cho người khác trước khi trăng Rằm mọc lên), trò chơi "đạp cầu" (giúp cho chân khỏe), thả diều, Jwibul-nori (một trò chơi truyền thống dành cho trẻ em)...

Tại Hàn Quốc còn có một phong tục được gọi là Tục đón trăng (Dal-maji - 달맞이), người Hàn thường leo núi hay tới những nơi cao để ngắm trăng khi nó mọc lên vào ngày Rằm tháng Giêng. Tương truyền rằng, những người đầu tiên nhìn thấy mặt trăng sẽ nhận được nhiều may mắn cho năm tới, hoặc "ước gì được nấy". Đồi Dal-maji ở đường Haeun-dae là một địa điểm ngắm trăng phổ biến dành của các cặp đôi - những người mong muốn tình yêu của họ được bền vững.

Người Hàn Quốc có quan niệm ngày Rằm tháng Giêng liên quan đến con số 9 rất đặc biệt. Trước đây và ngay cả bây giờ vẫn còn nhiều người Hàn có thói quen làm các việc liên quan tới con số 9 vào trước hoặc chính ngày Rằm tháng Giêng. Ví dụ người ta tin rằng học sinh viết một chữ 9 lần hay viết 9 dòng chữ thì sẽ học hành chăm chỉ trong suốt cả năm. Hoặc họ cũng có những điều kiêng kị như hạn chế tối đa việc đem ngũ cốc lương thực ra khỏi nhà. Vì như vậy sẽ bị hao tài, tốn của, nếu có cần tiêu tiền thì cũng cố gắng tiêu trước ngày này.

Cũng như ở Việt Nam, ở Hàn Quốc, Bò là tài sản rất quan trọng trong nông nghiệp, vào ngày rằm tháng giêng người ta thường cho bò ăn thêm một bữa ăn có trộn cơm ngũ cốc vào thức ăn của chúng. Nhìn cách bò ăn cũng có thể đoán chừng về sản xuất nông nghiệp trong năm đó. Người ta tin rằng nếu bò ăn gạo trước thì năm đó lúa sẽ được mùa, nếu bò ăn đỗ trước thì năm đó đỗ sẽ được mùa.

Nhiều người Hàn còn để một mâm cúng ở trước chuồng bò và cầu mong cho suốt cả năm bò được khoẻ mạnh, làm việc chăm chỉ. Ngoài ra, vào sáng sớm ngày Rằm, họ cũng nghe và đếm tiếng gà gáy. Nếu số lần gáy mà ít thì năm đó mất mùa, còn nếu gà gáy trên 10 lần thì năm đó chắc chắn sẽ bội thu.

Qua những thông tin trên, ta có thể thấy rằng Rằm tháng Giêng là một ngày tết cực kỳ quan trọng với người Hàn, đặc biệt là người nông dân muốn gửi gắm những mong muốn, ước mơ về một năm ấm no, hạnh phúc.

Zalo

Quên mật khẩu?

Chọn đăng ký là bạn đã đồng ý với các điều khoản dịch vụ của TGROUP.

Quên mật khẩu? Hãy điền địa chỉ email của bạn. Bạn sẽ nhận được một liên kết để tạo một mật khẩu mới.

Trở về đăng nhập

Đóng

Đóng
Đóng